Lý luận chính trị

Những đóng góp quan trọng của lực lượng Công an nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Nguyễn Quang Bình 

Khoa LLCT và KHXHNV

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam với truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh anh hùng, bất khuất đã kiến tạo biết bao trận chiến oanh liệt để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Một trong những trận chiến không thể không nhắc tới đó là trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu”. Góp phần vào thắng lợi quan trọng đó, có vai trò lớn của lực lượng Công an nhân dân. Tiếp cận dưới góc độ khoa học lịch sử, bài viết tập trung làm sáng tỏ những đóng góp quan trọng của lực lượng Công an nhân dân với chiến dịch này, từ đó ra những bài học kinh nghiệm nhằm xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.



1. Ra đời vào những ngày mùa thu lịch sử năm 1945 khi toàn dân Việt Nam đều nhất tề đứng lên “Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai”, lực lượng Công an nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đã không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Bước vào chiến cuộc Đông Xuân (1953 - 1954), cục diện chiến trường Đông Dương đang có những chuyển biến căn bản theo hướng có lợi cho cách mạng Việt Nam. Kế hoạch quân sự Nava - cố gắng cao nhất, cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đang có nguy cơ bị phá sản hoàn toàn. Bởi vậy, Điện Biên Phủ từ một địa danh không hề có trong kế hoạch Nava đã trở thành trung tâm điểm của kế hoạch, được cả Pháp và Mỹ tin rằng sẽ là “cái bẫy”, “con nhím khổng lồ” để “nghiền nát” bộ đội chủ lực của ta. Trước bối cảnh đó, Bộ Chính trị đã họp thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh và quyết định mở chiến dịch Biện Biên Phủ. Ngày 8/2/1954, Bộ Chính trị ra Chỉ thị “Động viên quân đội và nhân dân tiếp tục đánh giặc và phục vụ tiền tuyến” gửi Tổng Quân ủy, các Liên khu ủy và Khu ủy, yêu cầu: “Cần phải nhận thức rõ chủ trương quân sự của Trung ương, phải đặt nhiệm vụ tác chiến và phục vụ tiền tuyến là nhiệm vụ trung tâm thứ nhất trong mọi công tác lúc này và phải quyết tâm huy động nhân lực, vật lực để phục vụ tiền tuyến”[1]. Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, lực lượng Công an nhân dân đã tích cực, chủ động, phối hợp có hiệu quả với các lực lượng khác tấn công địch trên tất các mặt trận góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch.

Thứ nhất, đập tan âm mưu, hoạt động tình báo, gián điệp của địch, bảo đảm tính bí mật, an toàn, bất ngờ của chiến dịch

Năm 1953, khi phát hiện có hoạt động chuyển quân và vận chuyển lương thực của những đoàn dân công hỏa tuyến theo hướng Tây Bắc, Nava đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo, gián điệp nhất là cơ quan tình báo Phòng Nhì (2e Burueau), tình báo chiến lược (SHE) và cơ quan gián điệp biệt kích hỗn hợp nhảy dù (GCMA) tăng cường hoạt động thu thập tin tức tình báo, xây dựng mạng lưới gián điệp, do thám dọc tuyến đường từ Liên khu VI, Liên khu III, Khu Tả Ngạn, Liên khu Việt Bắc lên Tây Bắc và Điện Biên Phủ, đồng thời cài cắm gián điệp vào các cơ quan, đơn vị bộ đội, đoàn dân công… với mục đích điều tra, phát hiện kế hoạch tác chiến, ý đồ chiến lược, cũng như nơi đóng quân, chuyển quân, kho tàng, cơ quan đầu não của ta…

Trước âm mưu và thủ đoạn của địch, Bộ Công an đã chỉ thị cho lực lượng bảo vệ chính trị và Công an các cấp thuộc Liên khu IV, Liên khu III, Khu Tả Ngạn, Liên khu Việt Bắc, Khu Tây Bắc tăng cường công tác phát động quần chúng “Phòng gian, bảo mật” và phong trào “bảo vệ nội bộ”, đồng thời tăng cường các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, điều tra, phát hiện, đấu tranh bóc gỡ mạng lưới gián điệp, chỉ điểm của địch, vận động quần chúng truy lùng những toán gián điệp, biệt kích xâm nhập vào vùng tự do, nhất là vùng Việt Bắc, Tây Bắc.

Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy, của Bộ Công an, phong trào quần chúng “Phòng gian, bảo mật” trở thành phong trào sâu rộng, đạt hiệu quả cao, với toàn bộ mạng lưới gián điệp, chỉ điểm, do thám của địch cài cắm dọc hành lang các tuyến dường giao thông từ hậu phương lên mặt trận Điện Biên Phủ đều bị bóc ngỡ, khống chế. Điển hình, lực lượng Công an đã bắt toán gián điệp biệt kích GCMA gồm 4 tên nhảy dù xuống khu vực xã Mường É, Thuận Châu và toán 6 tên nhảy dù xuống Bản Nhạn (Sơn La) để điều tra, phát hiện các cuộc hành quân của bộ đội và phá hoại lực lượng vận chuyển của ta trên đèo Pha Đin và bến phà Tạ Khoa. Tính đến đầu tháng 4 năm 1954, ta đã bắt được 389 biệt kích ở miền Bắc, 19 quân báo viên chuyên trách, phá một mạng lưới gián điệp nguy hiểm ở Lạng Sơn, khống chế một tổ biệt kích có điện đài trên đường chiến lược Thái Nguyên, Tuyên Quang. Đặc biệt, lực lượng Công an đã khống chế thành công nhóm gián điệp gồm 3 đối tượng nữ, buộc chúng phải làm việc cho ta và đánh lừa địch (Chuyên án TN25). Những chiến công đó đã góp phần quan trọng “vô hiệu hóa tai mắt của địch”, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thứ hai, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Trung ương Đảng, các cơ quan đầu não và Bộ chỉ huy chiến dịch

Bộ Công an xác định, công tác bảo vệ lãnh tụ, các cơ quan đầu não và Bộ chỉ huy chiến dịch là nhiệm vụ hết sức quan trọng, phức tạp khó khăn, nhưng bằng mọi giá phải bảo đảm an toàn tuyệt đối. Địa bàn bảo vệ rộng lớn kéo dài trên hàng trăm km từ Quảng Bình, Lào Cai, Thái Nguyên và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ lên Điện Biên Phủ; kẻ địch thường xuyên tung gián điệp ra vùng tự do, bám các tuyến đường chiến lược thuộc khu Việt Bắc, Tây Bắc để điều tra, thu thập tin tức, nuôi âm mưu tổ chức bắt cóc cán bộ, nhất là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, quân đội và tổ chức đánh úp các cơ quan đầu não của ta. Trong khí đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, nhất là các đồng chí trong Ban Chỉ đạo chiến dịch, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp quân đội phải thường xuyên thị sát thực tế để nắm chắc tình hình phục vụ chỉ đạo chiến dịch, chỉ đạo các cấp, các lực lượng tham gia chiến dịch nêm công tác bảo vệ càng khó khăn gấp bội.

Trước tình hình đó, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác, tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phát động mạnh mẽ phong trào “Phòng gian, bảo mật”, củng cố lực lượng Công an xã, huyện trực tiếp làm nhiệm vụ tổ chức, hướng dẫn cho quần chúng tham gia giám sát, phát hiện những người lạ mặt, những hoạt động nghi vấn; lập những trạm gác và kiểm tra giấy tờ trên đường vào các cơ quan, kịp thời phát hiện bọn gián điệp, do thám, chỉ điểm trà trộn trong số cán bộ cơ quan hoặc đồng bào khu vực đóng quân để thâm nhập điều tra, phá hoại. Ở những nơi Bộ Chỉ huy chiến dịch đóng quân, lực lượng Công an tiến hành rà soát các đối tượng nghi vấn; điều chuyển số nguy hiểm hoặc nghi là gián điệp, chỉ điểm đến nơi khác làm trong sạch địa bàn. Khi các đồng chí lãnh đi kiểm tra, chỉ đạo chiến dịch, lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng bảo vệ của Trung ương và quân đội bố trí lực lượng bảo vệ trên suốt tuyến đường, nhất là ở những đầu mối giao thông (ngã ba, ngã tư...) và những nơi hiểm trở, đèo dốc, địa bàn phức tạp kẻ địch dễ lợi dụng mai phục, tấn công. Mặc dù trong điều kiện giao thông khó khăn, tình hình chiến sự ác liệt, địch sử dụng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, nhưng nhờ có sự chủ động, mưu trí, sáng tạo của lực lượng Công an nhân dân, sự giúp đỡ của nhân dân, các chuyến đi công tác của các đồng chí lãnh đạo, cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Chỉ huy chiến dịch được bảo vệ an toàn tuyệt đối.

Thứ ba, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các lực lượng tham gia chiến dịch, kho tàng, nơi đóng quân, chuyển quân và tuyến giao thông vận tải chi viện cho chiến dịch

Với khẩu hiệu “Tất cả cho Điện Biên Phủ đại thắng”, các địa phương, nhất là các tỉnh thuộc vùng tự do đã được huy động phục vụ chiến dịch, với: “gần 53.000 người, 2.217 xe đạp thồ, 342 xe cút kít, 1048 thuyền vận tải lớn, nhỏ”; “Riêng Nghệ An đã huy động 6.600 dân công với tổng số 1.574.152 ngày công để làm mới và sửa chữa 320km đường, 03 cầy lớn, 32 cầu nhỏ, 52 cống và rả đá 150 km đường. Thanh Hóa huy động đội ngũ dân công gồm 102.254 người phục vụ dài hạn, 76.670 phục vụ ngắn hạn. Hà Tĩnh đóng góp 03 vạn dân công, 1.500 thanh niên xung phong phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ”[2]. Chính vì vậy, việc bảo vệ dân công tham gia chiến dịch đã trở thành nhiệm vụ quan trọng trong. Rút kinh nghiệm từ các chiến dịch trước, lực lượng Công an đã tổ chức lập danh sách, xét duyệt, lựa chọn những người có lý lịch tốt, có phẩm chất và nhiệt tình cách mạng, tình nguyện tham gia phục vụ chiến dịch; đồng thời phát hiện loại bỏ những phần tử có nghi vấn chính trị, hình sự, cơ hội vào các đoàn dân công, đề phòng địch đưa người vào phá hoại hoặc chỉ điểm đánh phá trên đường vận chuyển của ta. Bên cạnh đó, Ban Công an tiền phương đã chủ động đề nghị Hội đồng cung cấp mặt trận biên chế dân công thành những đơn vị đại đội, trung đội, tiểu đội và lựa chọn những đảng viên, đoàn viên hoặc những người tích cực làm hạt nhân lãnh đạo. Trong ban lãnh đạo đại đội, trung đội có một đồng chí Công an huyện được cử đi theo đoàn làm nhiệm vụ phổ biến nội quy bảo vệ, hướng dẫn việc bảo vệ vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm cho chiến trường; hướng dẫn cách phòng, chống khi máy bay địch đánh phá hoặc khi địch tập kích trên đường hành quân, vận chuyển… Mô hình trên thực sự đã phát huy được hiệu quả, phục vụ tốt công tác bảo vệ dân công trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch.

Đối với công tác bảo vệ bộ đội chủ lực, lực lượng Công an đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bảo vệ của quân đội tiến hành thuần khiến nội bộ, đảm bảo nguyên tắc “vũ khí nằm trong tay những người tin cậy”; đẩy mạnh phong trào “Phòng gian, bảo mật” đảm bảo không tiết lộ bí mật địa điểm đóng quân, nơi tập kết, ngày giờ hành quân, không tiết lộ phiên hiệu đơn vị, tên người chỉ huy cho bất cứ ai quen biết và kể cả cho người nhà qua thư từ; đồng thời vận động quần chúng nhân dân thực hiện khẩu hiểu “Ba không” tuyệt đối giữ bí mật cho bộ đội, phòng chống gián điệp, biệt kích xâm nhập phá hoại.

Cùng với việc bảo vệ dân công và bộ đội chủ lực, công tác bảo vệ kho tàng, nơi đóng quân, chuyển quân, tuyến đường vận tải luôn được chú trọng, Bộ Công an tiền phương của Bộ và Công an các tỉnh đã phối hợp với bộ phận quân nhu, hậu cần quân đội kiểm tra, lựa chọn những người có phẩm chất chính trị tốt, liêm khiết, tích cực để làm nhiệm vụ trông giữ kho; đồng thời phát động phong trào “Phòng gian bảo mật”, “Ba không” trong quần chúng nhân dân khu vực kho, bãi và tuyến đường vận chuyển hàng hóa lên Điện Biên Phủ. Công an Hà Tĩnh đã thiết lập các đồn, trạm, vành đai bảo vệ, phối hợp với bộ đội và dân quân địa phương thường xuyên canh gác xung quanh khu vực kho, kịp thời phát hiện các phần tử phá hoại. Công an Thanh Hóa cùng lực lượng dân quan địa phương nắm vững, giám sát chặt chẽ các đối tượng phản động, tội hình sự trên địa điểm tập kết hàng hóa, để xây dựng kế hoạch điều chuyển những đối tượng này ra khỏi địa bàn, đề phòng phá hoại và mất tài sản phục vụ cho chiến dịch.

Trong suốt thời gian tham gia phục vụ chiến dịch, lực lượng Công an nhân dân đã chủ động, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác, tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các lực lượng tham gia chiến dịch, kho tàng, nơi đóng quân, chuyển quân và tuyến giao thông vận tải từ hậu phương ra chiến trường.

Thứ tư, đẩy mạnh phá tề, trừ gian, tiễu phỉ ổn định hậu phương góp phần thắng lợi cho chiến dịch

Trong khi quân và dân cả nước đang dồn sức cho chiến dịch, thì một số tên phỉ lọt lưới trong các đợt truy quyét trước đây đã cấu kết với bọn phản động, biệt kích, thổ phỉ, gián điệp tăng cường hoạt động, đe dọa, uy hiếp quần chúng, chống chính quyền cách mạng. Cùng thời gian này, tại Bản Mạn, xã Bằng Thành các đối tượng: Đựng Văn Lùi, Đặng Văn Thành, Trương Văn Đức lập ra tổ chức phản động “Quốc dân đảng” thực chất là hoạt động thổ phỉ. Chúng kích động quần chúng nhân dân chống lại chính sách giảm tô thuế nông nghiệp, nghĩa vụ lương thực và dân công, tiến hành cướp phá của cải của nhân dân, khoát sâu mâu thuẫn giữa các dân tộc.

Trước tình hình trên, Công an các tỉnh thuộc Liên khu IV, Liên khu III, Khu Tả Ngạn, Khu Việt Bắc, Tây Bắc phối hợp với các lực lượng khác đẩy mạnh hoạt động tiễu phỉ, diệt ác trừ gian, mở rộng vùng giải phóng, vùng tự do, củng cố chính quyền cách mạnh, đẩy mạnh việc cung cấp sức người, sức của cho chiến trường, góp phần xóa bỏ cơ sở xã hội của địch, làm trong sạch địa bàn, nhất là những nơi có quốc lộ chạy qua, đảm bảo an toàn cho công tác vận chuyển hoàng hóa, chuyển quân của bộ đội, dân công lên Điện Biên Phủ.

 2. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi thêm một trang sử oanh liệt trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc, được ví như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX. Tròn 70 năm đã trôi qua, cục diện thế giới và trong nước có nhiều đổi thay, nhưng ý nghĩa và bài học kinh nghiệm của chiến dịch vẫn vẹn nguyên giá trị, nhất là đối với lực lượng Công an nhân dân - lá chắn, thanh bảo kiếm bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ Xã hội chủ nghĩa, đang trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính. Những bài học được rút ra từ chiến dịch cụ thể là:

Thứ nhất, trong hoạt động nhận thức và thực tiễn phải quán triệt, vận dụng nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an. Cùng với các lực lượng trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vinh dự được Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhận thức được tầm quan trọng, cũng như vai trò của mình, Bộ Công đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo trên, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ ưu tú Công an nhân dân đã được cử tham gia phục vụ chiến dịch. Ngày nay, trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, Công an nhân dân cần phải tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, nắm vững quan điểm, mục tiêu, nội dung về an ninh quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương, ngày 22/12/2023… Đồng thời, tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng đối với mọi mặt công tác Công an, nhất là công tác chính trị, tư tưởng, khơi dậy được khát vọng cống hiến, thực hiện lẽ sống cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng, sẵn sàng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” như lớp lớp thế hệ cha anh đi trước đã cống hiến, hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thứ hai, phải làm tốt công tác vận động quần chúng, từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân. Bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ là việc không hề đơn giản, nhất là phải bảo đảm được tính bí mật về nơi đóng quân, chuyển quân, các kho tàng vũ khí, tuyến giao thông hậu cần từ hậu phương và các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ; trong khi đó, địch lại thường xuyên tung các toán gián điệp, biệt kích ra vùng tự do, bám các tuyến đường chiến lược lên Việt Bắc và Điện Biên Phủ điều tra thu thập thông tin. Vì vậy, Bộ Công an xác định: “Phải lấy vận động quần chúng làm cốt lõi, dựa vào lực lượng quần chúng nhân dân đông đảo có mặt ở khắp nơi từ hậu phương đến mặt trận chính”[3]. Phong trào “Phòng gian bảo mật”, “Ba không” được đẩy mạnh trong quần chúng nhân dân, nhất là trong lực lượng dân công vận tải và các lực lượng đảm bảo an toàn trên tuyến hành lang vận chuyển cho chiến dịch, đồng thời, công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia truy lùng, vây bắt biệt kích, thổ phỉ trên đường hành quân, trú quân của bộ đội, dân công, vùng có kho tàng, trạm cung cấp, cầu phà quan trọng cũng được phát động mạnh mẽ. Kết quả, ta đã giữ được yếu tố bất ngờ và chính yếu tố đó đã góp phần quyết định làm nên thắng lợi của chiến dịch. Trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội hiện nay, lực lượng Công an nhân dân phải quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Chỉ thị số 09/CT-BCAV28, ngày 1/11/2016 về “Tăng cường công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới”. Chương trình số 05-CTr/BDVTW-BCA, ngày 14/4/2022, giữa Ban Dân vận Trung ương và Bộ Công an về phối hợp thực hiện công tác dân vận giai đoạn 2022 – 2026. Từ đó, giáo dục, thuyết phục và vận động quần chúng nhân dân tham gia tích cực, tự giác vào phong trào phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu của tình hình. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đấu tranh chống phản cách mạng và tội phạm hình sự, bảo vệ Đảng, bảo vệ lực lượng kháng chiến, bảo vệ hậu phương và căn cứ địa cách mạng, ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 141/SL đổi Nha Công an Việt Nam (thuộc Bộ Nội vụ) thành thứ Bộ Công an, trực thuộc Chính Phủ, với nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức cụ thể. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Nha Công an được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Thứ Bộ Công an. Ngày 18/7/1953, Chủ tịch nước tiếp tục ký sắc lệnh 169/SL, bổ nhiệm môt số chức vụ trong Thứ Bộ Công an. Ngay sau khi được thành lập, Thứ Bộ Công an đã có kế hoạch gửi các khu, ty thực hiện kiện toàn về tổ chức, trong đó cần thiết phải thực hiện tinh gọn tổ chức, lựa chọn cán bộ có năng lực trong từng nhiệm vụ cụ thể để nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác Công an. Tại kỳ họp từ ngày 27/8 đến 29/8/1953, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết đổi tên Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an. Đây là sự kiện đánh dấu bước trưởng thành, lớn mạnh của Công an nhân dân Việt Nam. Có thể thấy, việc kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng, Chính Phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp lực lượng Công an kịp thời, chủ động nắm bắt địa bàn, xét duyệt nhân sự, xác minh lý lịch, phối hợp đồng bộ với các lực lượng khác bảo vệ tuyệt đối an toàn cho chiến dịch. Phát huy truyền thống của Ngành, trước yêu cầu của công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, lực lượng Công an nhân dân đã và đang tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, khách quan, khoa học Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính trị; Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16/3/2022 về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.

 -------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.15.

2 .Bộ Công an, Lịch sử Công an nhân dân Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2022, tr.610.

3. Bộ Công an, Vai trò và những đóng góp của lực lượng Công an nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2014, tr.145.

arrow_upward