Hội thảo khoa học, chủ đề: “Nhận diện và phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa, khủng hoảng an ninh phi truyền thống; bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”
Được sự đồng ý của Bộ Công an và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 06/5/2022, tại Trung tâm Hội nghị số 272 Võ Thị Sáu, Phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Công an Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học An ninh nhân dân tổ chức Hội thảo khoa học, chủ đề: “Nhận diện và phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa, khủng hoảng an ninh phi truyền thống; bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”.
Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu chào mừng
Đại tá, PGS. TS Võ Hồng Công, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân phát biểu đề dẫn Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo
Đồng chí Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo. Đồng chí Thiếu tướng, PGS. TS Phan Xuân Tuy - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân, đại diện Hội đồng Lý luận Bộ Công an đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự buổi Hội thảo có đồng chí Đặng Quốc Toàn - Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố; đồng chí Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương; đồng chí Đặng Minh Sự - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; TS. BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế; đồng chí Vũ Chí Kiên - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Tân; đồng chí Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Thông tin và Truyền thông; Ban Tuyên giáo Thành ủy; Ban Dân vận; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức quần chúng. Ban Giám đốc và đại diện lãnh đạo công an các đơn vị, địa phương thuộc Công an TP.HCM. Về phía Trường Đại học An ninh nhân dân có đồng chí Đại tá, PGS. TS Nguyễn Trần Hiếu - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; Đại tá, PGS. TS Võ Hồng Công, Phó Hiệu trưởng; đồng chí Đại tá, TS Phạm Duy Hoàng, Phó Hiệu trưởng; đồng chí Trung tá, TS Lê Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng và lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các đơn vị thuộc Trường Đại học An ninh nhân dân có tham luận tại Hội thảo.
Dự đưa tin về Hội thảo có phóng viên các cơ quan báo chí: Báo Công an nhân dân, Truyền hình Công an nhân dân (ANTV); Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV).
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tham luận
Trung tá, TS Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn Trường Đại học An ninh nhân dân phát biểu tham luận
Đồng chí Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương phát biểu tham luận
Quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành Thành phố, đặc biệt là sự cộng tác nhiệt tình, có trách nhiệm của các nhà thực tiễn, nhà khoa học. Ban Tổ chức đã tiếp nhận, biên tập, xây dựng Kỷ yếu hội thảo với 68 tham luận tiếp cận nghiên cứu ở nhiều góc độ. Tại Hội thảo, với tinh thần khoa học, dân chủ, khẩn trương, Hội thảo đã lắng nghe 8 tham luận trình bày trực tiếp tại Hội thảo. Nội dung các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo có chất lượng tốt, phản ánh khá toàn diện, sâu sắc các vấn đề xoay quanh chủ đề Hội thảo. Đáng chú ý, tham luận của Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân, một số sở, ban, ngành; UBND và Công an một số quận, huyện đã mạnh dạn nêu lên những khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm và kiến nghị, đề xuất xoay quanh công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, một địa bàn nằm trong tâm dịch COVID-19 của đợt dịch bùng phát lần thứ tư ở Việt Nam. Nhiều ý kiến tham luận đã làm rõ tư duy mới của Đảng ta về vấn đề an ninh phi truyền thống; cơ sở pháp lý; đánh giá thực trạng, rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất được giải pháp, kiến nghị có giá trị góp phần nhận diện và phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa, khủng hoảng an ninh phi truyền thống trên các lĩnh vực trọng điểm; bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Giá trị khoa học trong các tham luận phản ánh rõ nét sự nhiệt tình, tâm huyết của các tác giả, cơ quan, đơn vị trong và ngoài Thành phố Hồ Chí Minh đối với Hội thảo.
Trong khuôn khổ Hội thảo còn diễn ra hoạt động trưng bày sách (thiết kế dưới dạng tài liệu truyền thống và tài liệu số hóa) có liên quan đến phòng ngừa, ứng phó các mối đe dọa, khủng hoảng an ninh phi truyền thống nói chung và trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Nội dung sách, tư liệu trưng bày phản ảnh các vấn đề thời sự và rất có ý nghĩa thực tiễn, như: Tư duy mới của Đảng Cộng sản Việt Nam về an ninh phi truyền thống và phòng ngừa, ứng phó các mối đe dọa, khủng hoảng an ninh phi truyền thống; phòng chống biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; các mối đe dọa an ninh kinh tế, an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia; xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử...
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại khu vực trưng bày sách
Đại biểu tham quan khu vực trưng bày sách
Kết luận Hội thảo, Thiếu tướng, PGS, TS. Phan Xuân Tuy - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận Bộ Công an, đồng chủ trì Hội thảo, chỉ rõ:
Một là, Hội thảo đã làm rõ và cơ bản thống nhất cao về nhận thức, tư duy mới về an ninh phi truyền thống và phòng ngừa, ứng phó các mối đe dọa, khủng hoảng an ninh phi truyền thống, nhất là các vấn đề phòng, chống biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh mạng, an ninh xã hội, an ninh con người. Trong đó, đã làm rõ mối quan hệ giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống; các mối đe dọa, khủng hoảng an ninh phi truyền thống; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phòng ngừa, ứng phó các mối đe dọa, khủng hoảng an ninh phi truyền thống… Các tham luận thống nhất khẳng định an ninh phi truyền thống là một thành tố quan trọng của an ninh quốc gia cũng như an ninh khu vực và an ninh toàn cầu. Phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa, khủng hoảng an ninh phi truyền thống là một nội dung rất quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới; là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và là sự nghiệp của toàn dân, trong đó lực lượng Công an nhân dân đóng vai trò nòng cốt; lấy chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn từ xa là chính, lấy sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội làm nền tảng; phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại; nêu cao hơn nữa tinh thần “an ninh chủ động”; quán triệt thực hiện phương châm 4 tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, ứng phó các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.
Thiếu tướng, PGS. TS Phan Xuân Tuy, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân, thành viên Hội đồng Lý luận Bộ Công an phát biểu tổng luận Hội thảo
Hai là, Hội thảo đã làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý phòng ngừa, ứng phó các mối đe doạ, khủng hoảng an ninh phi truyền thống nói chung và trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Đảng ta đã nhận thức và đưa ra quan điểm, chủ trương phòng ngừa, ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống từ rất sớm. Đặc biệt, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đến nay, vấn đề an ninh phi truyền thống không ngừng được bổ sung, phát triển. Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta ban hành hệ thống pháp luật cùng với pháp luật quốc tế là cơ sở pháp lý quan trọng trong phòng ngừa, giải quyết, ứng phó, giảm thiểu tác động, thách thức từ các mối đe dọa, khủng hoảng an ninh phi truyền thống, nhất là những vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu. Song trước bối cảnh tình hình mới cần tiếp tục rà soát, đánh giá hệ thống chính sách pháp luật liên quan để tham mưu, kiến nghị, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật làm cơ sở pháp lý vững chắc giải quyết vấn đề an ninh phi truyền thống hiện nay, nhất là vấn đề phòng, chống dịch bệnh, chống biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh mạng và các vấn đề khác.
Ba là, Hội thảo bàn sâu, nhận diện rõ mối đe dọa, khủng hoảng an ninh phi truyền thống từ dịch bệnh COVID-19; làm rõ vai trò, trách nhiệm, kết quả đạt được, cũng như khó khăn, vướng mắc trong chỉ đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền và hoạt động của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong phòng, chống dịch COVID-19, nhất là phối hợp giữa các địa phương, vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm giao thông thông suốt trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, một vấn đề mới chưa có tiền lệ; từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp, kiến nghị rất có giá trị góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho Thành phố Hồ Chí Minh mà còn có thể tham khảo cho các địa phương khác.
Bốn là, Hội thảo đã làm rõ vai trò, trách nhiệm và đánh giá thực tiễn hoạt động của lực lượng Công an nhân dân; sự phối hợp giữa lực lượng Công an nhân dân với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó cho thấy, thời gian qua Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò xung kích, nòng cốt trong tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19; đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức có hiệu quả các hoạt động truy vết, dập dịch, tổ chức các hoạt động hỗ trợ tiêm vắc-xin, bảo đảm an sinh xã hội, vận hành các khu cách ly tập trung, điều trị người bị nhiễm COVID-19; luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo, khắc phục khó khăn, khơi dậy và phát huy các nguồn lực; đồng thời nhận được sự phối hợp, tăng cường lực lượng hỗ trợ phòng, chống dịch, bảo đảm an ninh, trật tự từ các đơn vị vũ trang đóng quân trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là Trường Đại học An ninh nhân dân, nhờ đó góp phần to lớn ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, giữ vững an ninh chính trị và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm là, Hội thảo đã đánh giá tình hình, thực trạng, đưa ra dự báo và đề xuất giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân và tăng cường phối hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp trong phòng ngừa, ứng phó các mối đe dọa, khủng hoảng an ninh phi truyền thống từ biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, nguồn nước, an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, an ninh kinh tế và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống khác, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Qua các tham luận cho thấy, các vấn đề an ninh phi truyền thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nêu trên bên cạnh đặc điểm chung có đặc thù riêng, tác động trực tiếp, rõ nét đến an ninh xã hội, an ninh con người, an ninh quốc gia, an ninh khu vực và an ninh toàn cầu, đòi hỏi cần có sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các địa phương trong nước, với nước ngoài và các tổ chức khu vực, quốc tế trong phòng ngừa, ứng phó.
Tại Hội thảo, vì thời gian có hạn, còn nhiều vấn đề quan trọng có liên quan đến chủ đề Hội thảo chưa được trình bày, phân tích, làm sáng tỏ. Song, đây là Hội thảo khoa học có ý nghĩa thiết thực, góp phần tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19, tổng kết 02 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phòng ngừa, ứng phó các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu vấn đề an ninh phi truyền thống trong thời gian tới. Từ kết quả đạt được của Hội thảo này, Công an Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tham mưu với Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố những vấn đề cụ thể trong nhận diện và phòng ngừa, ứng phó các mối đe dọa, khủng hoảng an ninh phi truyền thống, nhất là công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, kết quả hội thảo là cơ sở để Trường Đại học An ninh nhân dân phối hợp Công an Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, tham mưu chiến lược với Bộ Công an, Hội đồng Lý luận Bộ Công an nâng tầm thành Hội thảo cấp Quốc gia và xây dựng, bổ sung, phát triển lý luận về phòng ngừa, ứng phó các mối đe dọa, khủng hoảng an ninh phi truyền thống trong tình hình hiện nay. Kết quả Hội thảo khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học An ninh nhân dân, là hoạt động tiếp nối mở ra các hoạt động phối hợp trong nghiên cứu khoa học, hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và các hoạt động khác mà hai đơn vị cùng quan tâm trong thời gian tới.
Ban Tổ chức Hội thảo trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, Hội đồng Lý luận Bộ Công an; Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành Thành phố; sự cộng tác nhiệt tình, có trách nhiệm của các nhà thực tiễn, nhà khoa học. Đặc biệt, trân trọng cảm ơn Trường Đại học An ninh nhân dân, trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn của Bộ Công an, Hiệu trưởng là thành viên Hội đồng Lý luận Bộ Công an đã chủ động, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Công an Thành phố Hồ Chí Minh trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức hội thảo, góp phần quan trọng để Hội thảo thành công tốt đẹp.
Ban Tổ chức xin biểu dương tinh thần, trách nhiệm, sự chuẩn bị nghiêm túc, khoa học của các đơn vị chức năng thuộc Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học An ninh nhân dân trong phối hợp tổ chức hội thảo.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Tin, ảnh: KHOA NGHIỆP VỤ CƠ BẢN