Dự thảo Thông tư quy định về công tác tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong CAND

Để nâng cao hiệu quả của công tác tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân (sau đây gọi tắt là công tác tiếp công dân), Bộ Công an đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định về công tác tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Dự thảo Thông tư gồm 04 chương 17 điều: Trong chương I – Quy định chung: Dự thảo Thông tư quy định nguyên tắc, hình thức, địa điểm, cán bộ tiếp công dân; trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận đơn, thông tin, tài liệu, chứng cứ do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp; quản lý công tác tiếp công dân trong Công an nhân dân. Việc tiếp đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam đến địa điểm tiếp công dân của cơ quan Công an để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được áp dụng theo quy định của Thông tư, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác. Thông tư áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm tiếp công dân trong CAND; người đến địa điểm tiếp công dân của cơ quan Công an để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác tiếp công dân trong CAND. Dự thảo Thông tư cũng quy định hoạt động tiếp công dân phải tuân thủ các nguyên tắc như: Tuân thủ quy định của Luật Tiếp công dân, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tiếp công dân, Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; Việc tiếp công dân phải được tiến hành tại địa điểm tiếp công dân của Công an các cấp có thẩm quyền. Đặc biệt, nguyên tắc bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện; giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân và nguyên tắc Tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật cần được chú trọng thực hiện. Chương II – Tổ chức tiếp công dân, Dự thảo Thông tư quy định về địa điểm tiếp công dân; hình thức tiếp công dân; trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong hoạt động tiếp công dân. Cụ thể hình thức tiếp công dân gồm có: Tổ chức tiếp công dân thường xuyên; Tổ chức tiếp công dân định kỳ; Tổ chức tiếp công dân đột xuất. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công an định kỳ tiếp công dân mỗi tháng ít nhất một ngày tại địa điểm tiếp công dân của Bộ Công an (thời gian cụ thể do Thanh tra Bộ thống nhất với Văn phòng Bộ báo cáo Bộ trưởng quyết định). Thủ trưởng đơn vị thuộc cơ quan Bộ nơi có tổ chức thanh tra, Giám đốc Công an cấp tỉnh định kỳ tiếp công dân mỗi tháng ít nhất một ngày tại địa điểm tiếp công dân của đơn vị, địa phương mình (thời gian cụ thể do Thủ trưởng, Giám đốc quyết định). Thủ trưởng đơn vị thuộc cơ quan Bộ nơi không có tổ chức thanh tra, đơn vị thuộc Công an cấp tỉnh (có trụ sở độc lập); Trưởng Công an cấp huyện định kỳ tiếp công dân mỗi tháng ít nhất hai ngày tại địa điểm tiếp công dân của đơn vị mình. Trưởng Công an cấp xã định kỳ tiếp công dân mỗi tuần ít nhất một ngày tại địa điểm tiếp công dân của Công an cấp xã. Ngoài ra, địa điểm tiếp công dân của Công an các cấp phải bố trí tại vị trí thuận tiện để công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được dễ dàng, thuận lợi; có gắn biển “ĐỊA ĐIỂM TIẾP CÔNG DÂN” hình chữ nhật, nền màu đỏ, chữ màu vàng, ghi rõ tên cơ quan, đơn vị, địa chỉ, số điện thoại liên hệ; phải niêm yết công khai nội quy tiếp công dân, họ tên, cấp bậc, chức vụ, thời gian, lịch tiếp công dân của Thủ trưởng và cán bộ tiếp công dân; có tủ sách pháp luật để công dân tham khảo khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Chương III – Trách nhiệm tiếp, xử lý trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phức tạp có nhiều người tham gia và quản lý công tác tiếp công dân. Trong chương này, Dự thảo Thông tư quy định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân thực hiện và các vấn đề có liên quan đến công tác tiếp, xử lý trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phức tạp có nhiều người tham gia,.. Chương IV – Tổ chức thực hiện, Dự thảo Thông tư quy định về hiệu lực thi hành của Thông tư và trách nhiệm thi hành. Trong đó, Thanh tra Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Thông tư trong toàn lực lượng Công an nhân dân. Thanh tra Công an các cấp có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện Thông tư này trong phạm vi đơn vị, địa phương mình quản lý; Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư; Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo về Bộ Công an (qua Thanh tra Bộ) để có hướng dẫn kịp thời. Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 02 tháng kể từ ngày đăng.

Liên kết Dự thảo tại đây

Tin, bài: Hồng Nhung – K2, T04

arrow_upward