Điều tra hình sự
Trao đổi về các hoạt động tiến hành khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
ThS Nguyễn Thanh Hà
Giảng viên Khoa An ninh điều tra - Trường Đại học An ninh nhân dân
1. Quy định của pháp luật về các hoạt động tiến hành trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021 (gọi tắt là BLTTHS năm 2015) đã có những quy định về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (sau đây gọi tắt là tin báo) tại các điều luật 144, 145, 146, 147, 148, 149 và 150; trong đó, khoản 3 Điều 147 đã trực tiếp quy định về các hoạt động mà cơ quan có thẩm quyền được tiến hành khi giải quyết tin báo. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi trong thực tiễn áp dụng, các cơ quan có thẩm quyền cũng đã ban hành các văn bản dưới luật như Thông tư 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân (gọi tắt là Thông tư 28/2020/TT-BCA); Công văn số 5442/VKSTC-V14 ngày 30/11/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và thi hành án hình sự (gọi tắt là Công văn số 5442/VKSTC-V14) đã có những quy định về các hoạt động cụ thể được tiến hành khi giải quyết tin báo. Tuy nhiên, xoay quanh vấn đề này hiện vẫn đang còn những ý kiến trái chiều, trong đó nổi lên là các hoạt động như đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói có được tiến hành trong giải quyết tin báo hay không? dẫn đến thiếu thống nhất trong nhận thức và thực tiễn áp dụng, cụ thể:
- Ý kiến thứ nhất, các biện pháp đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói được áp dụng khi giải quyết tin báo.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 28/2020/TT-BCA thì: “Khi thực hiện việc thu thập thông tin, tài liệu đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm được quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS được thực hiện cụ thể như sau:… 2. Tiến hành đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và các hoạt động khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra theo sự phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của mình theo sự phân công của Cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (trừ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định tại Chương XVI BLTTHS năm 2015)” [3].
Mặt khác, trước đây theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 10 Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 02/8/2013 hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thì “Điều tra viên được phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiệm vụ và quyền hạn tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng” [1].
- Ý kiến thứ hai, các hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói không được tiến hành khi giải quyết tin báo vì những lí do sau:
+ Một là, theo quy định tại Điều 7 BLTTHS năm 2015: “Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định”. Gắn với hoạt động giải quyết tin báo, tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS năm 2015 quy định:
“3. Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động:
a) Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin;
b) Khám nghiệm hiện trường;
c) Khám nghiệm tử thi;
d) Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.” [4]
Như vậy, với những quy định như trên khi giải quyết tin báo, cơ quan có thẩm quyền không được tiến hành các hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói mà chỉ được tiến hành 4 hoạt động cụ thể (khám nghiệm hiện trường; khám nghiệm tử thi; trưng cầu giám định; yêu cầu định giá tài sản) và 01 hoạt động mang tính chất định hướng (thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin). Từ đây, ý kiến này cũng cho rằng quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 28/2020/TT-BCA là chưa phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự.
+ Hai là, ngoài việc BLTTHS năm 2015 không quy định về việc được tiến hành các hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói khi giải quyết tin báo thì thực tế cũng cho thấy việc tiến hành các hoạt động này là không thể, đơn cử như đối chất theo quy định tại khoản 1 Điều 189 BLTTHS năm 2015 chỉ được tiến hành trong “Trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì Điều tra viên tiến hành đối chất” [4]. Như vậy, theo quy định này, đối chất phải được tiến hành khi “đã tiến hành các biện pháp điều tra khác” trong khi ở giai đoạn giải quyết tin báo chỉ được tiến hành 5 hoạt động theo quy định tại khoản 3 Điều 147 của BLTTHS năm 2015 như đã trình bày ở ý 1.
+ Ba là, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói là những hoạt động điều tra phải được tiến hành trong giai đoạn điều tra, thế nên nếu tiến hành các hoạt động này khi giải quyết tin báo thì việc phân chia các hoạt động theo giai đoạn sẽ không còn ý nghĩa.
- Ý kiến thứ ba, các hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói có thể tiến hành nhưng chỉ được xem là hoạt động giải quyết tin báo.
Cụ thể ý kiến này cho rằng, mặc dù các hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói không được quy định cụ thể tại khoản 3, Điều 147 BLTTHS năm 2015 nhưng khi giải quyết tin báo, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động này. Tuy nhiên, cần chú ý đây là hoạt động để giải quyết tin báo, chứ không phải là hoạt động điều tra được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, điều này phù hợp với quy định tại Điểm 10.1 Công văn số 5442/VKSTC-V14 [5].
2. Qua phân tích các ý kiến trên cùng với việc nghiên cứu cơ sở pháp lý và thực tiễn áp dụng, tác giả cho rằng các hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói hoàn toàn có thể áp dụng khi giải quyết tin báo, đồng thời tác giả cũng có một số chia sẻ mang tính chất khuyến nghị như sau:
- Thứ nhất, cần đảm bảo tính bao quát trong quá trình nghiên cứu, áp dụng pháp luật. Mặc dù trong BLTTHS năm 2015 không trực tiếp quy định việc áp dụng các hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói trong giải quyết tin báo nhưng đã quy định một cách gián tiếp qua các điều luật khác, cụ thể:
+ Theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 83 BLTTHS năm 2015 thì: “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền: d) có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố”.
+ Tại điểm b khoản 1 Điều 110 BLTTHS năm 2015, khi giải quyết tin báo, nếu “người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn” thì có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Bản chất của việc thực hiện quy định này chính là hoạt động nhận dạng.
+ Khoản 1 Điều 191 BLTTHS năm 2015 quy định về hoạt động nhận biết giọng nói “1. Khi cần thiết, Điều tra viên có thể cho bị hại, người làm chứng hoặc người bị bắt, bị tạm giữ, bị can nhận biết giọng nói.”
Đối với lập luận này của tác giả, cũng có ý kiến cho rằng trong nhiều trường hợp dù đã khởi tố vụ án (chuyển sang giai đoạn điều tra), người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị bắt, người bị tạm giữ chưa bị khởi tố bị can thì họ vẫn có tư cách tố tụng là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị bắt, người bị tạm giữ. Tuy nhiên, như bản thân ý kiến trên đã nói “trong nhiều trường hợp” thế thì những trường hợp khác sẽ giải quyết như thế nào? Ngoài ra, thực tế cho thấy để giải quyết tin báo, nếu chỉ áp dụng các hoạt động xác minh quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS năm 2015, thì trong một số trường hợp cụ thể sẽ không xác định được vụ việc có dấu hiệu tội phạm hay không để ban hành quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án. Ví dụ: Trong quá trình giải quyết tin báo 01 vụ việc có tính hình sự, cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành tất cả các hoạt động xác minh có thể quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS năm 2015, nhưng vẫn chưa xác định được có dấu hiệu tội phạm hay không và trong vụ việc này bị hại khai là có thể nhận biết giọng nói của đối tượng nếu được nghe lại. Như vậy, trong trường hợp này nếu cứng nhắc cho rằng nhận biết giọng nói không được tiến hành vì không được quy định tại Điều 147 là chưa thuyết phục, dễ bỏ lọt tội phạm.
- Thứ hai, cần trao đổi đảm bảo thống nhất trong nhận thức pháp luật, nhất là những quy định mang tính chất “mở”, tránh hiểu và áp dụng các quy định pháp luật một cách “máy móc”.
+ Trong ý kiến thứ 2 quan tâm nhiều đến 4 hoạt động cụ thể tại khoản 3 Điều 147 BLTTHS năm 2015, nhưng lại gần như bỏ qua hoạt động mang tính chất định hướng là “thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin”. Trong khi hoạt động này đã được hướng dẫn một cách xác hợp tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 28/2020/TT-BCA, cụ thể ngoài 04 hoạt động (khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, trưng cầu giám định, định giá tài sản) thì khi giải quyết tin báo, cơ quan có thẩm quyền tiến hành hoạt động thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin (đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và các hoạt động khác thuộc thẩm quyền…). Điều này cũng phù hợp với quy định về chức năng, nhiệm vụ tiến hành hoạt động điều tra của Thủ trường, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra tại Điều 36; Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên tại Điều 37 BLTTHS năm 2015.
+ Đối với ý kiến một số hoạt động không thể được tiến hành trong giải quyết tin báo, ví dụ như đối chất vì theo quy định tại khoản 1 Điều 189 BLTTHS năm 2015 chỉ được tiến hành trong “trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì Điều tra viên tiến hành đối chất”. Trong trường hợp này, theo quan điểm của tác giả đối với cụm từ “đã tiến hành các biện pháp điều tra khác” trong quá trình áp dụng pháp luật cần thống nhất xem xét đến tính hiệu quả, khả năng tiến hành trong thực tế gắn với từng trường hợp, từng giai đoạn, không nên máy móc theo kiểu “chẻ câu chữ” thông thường. Cụ thể trong quá trình thụ lý một vụ việc có tính hình sự, tại thời điểm nào đó qua tính toán xét thấy chỉ có thể tiến hành được một số hoạt động như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, trưng cầu giám định, nhận biết giọng nói,… nhưng không mang lại hiệu quả, không giải quyết được mâu thuẫn đang tồn tại thì cơ quan có thẩm quyền có thể tiến hành đối chất, chứ không phải là đã tiến hành tất cả các hoạt động điều tra được quy định trong BLTTHS thì mới được tiến hành đối chất. Thực tế nhiều trường hợp thông qua đối chất, cơ quan có thẩm quyền mới có đủ cơ sở xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm, từ đó ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự; việc này không hề xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng trong giải quyết tin báo cũng như không làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của nguồn tin về tội phạm. Khái quát lại, quan điểm tác giả cho rằng đối chất vẫn có thể được áp dụng trong giải quyết tin báo. Thế nhưng đối với vấn đề này, dưới góc độ lý luận khoa học điều tra hình sự tác giả cũng đưa ra khuyến nghị, mặc dù có thể được áp dụng, nhưng cơ quan có thẩm quyền “không nên” áp dụng, trừ trường hợp thật sự cần thiết, đương nhiên lúc đó phải thỏa mãn đủ điều kiện áp dụng là có “mâu thuẫn” và đối chất phải là biện pháp “cuối cùng” để giải quyết mâu thuẫn tại thời điểm đó thì mới tiến hành, tránh tình trạng lạm dụng đối chất để thống nhất lời khai, làm sai lệch bản chất vụ việc hay các đối tượng tham gia đối chất tác động lẫn nhau, thay đổi lời khai theo hướng không đúng sự thật, gây khó khăn cho quá trình giải quyết tin báo.
- Thứ ba, cần đa dạng “góc nhìn” trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng nói chung, giải quyết tin báo nói riêng.
Đối với ý kiến cho rằng nếu các hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói nếu được tiến hành trong giải quyết tin báo thì việc phân chia các hoạt động theo từng giai đoạn sẽ không còn ý nghĩa, vì đây là những hoạt động điều tra. Với ý kiến này tác giả hoàn toàn đồng ý nếu chỉ đứng ở góc độ của pháp luật Tố tụng hình sự; còn dưới góc độ khoa học điều tra hình sự thì trong quá trình giải quyết một vụ việc có tính hình sự, xét thấy cần phải đa dạng hơn góc nhìn hơn, cụ thể như khi vụ việc có tính hình sự xảy ra và bị phát hiện, nhiệm vụ trọng yếu của cơ quan có thẩm quyền là phải khẩn trương tiến hành các hoạt động có thể nhằm xác định có dấu hiệu tội phạm hay không, từ đó ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự trong thời hạn quy định. Với ý nghĩa như thế, nên gián tiếp trong BLTTHS và trực tiếp trong Thông tư 28/2020/TT-BCA đã quy định cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp này trong giải quyết tin báo như đã phân tích ở ý trên.
- Thứ tư, cần xem xét đến giá trị, tính khả thi, hiệu quả của các văn bản trước khi áp dụng. Đối với ý kiến thứ ba cho rằng được tiến hành nhưng chỉ được xem là hoạt động để giải quyết tin báo, chứ không phải là hoạt động điều tra được quy định tại BLTTHS theo đúng tinh thần của Công văn số 5442/VKSTC-V14, theo tác giả sẽ phù hợp nếu kết quả giải quyết tin báo dừng lại ở việc xác định không có dấu hiệu tội phạm và ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, nghĩa là chỉ dừng lại ở giai đoạn giải quyết tin báo, nhưng nếu xác định có dấu hiệu tội phạm và ra quyết định khởi tố vụ án thì ý kiến này vẫn cần phải phân tích, làm rõ thêm một số điểm sau: (a) nếu không phải là hoạt động điều tra được quy định trong BLTTHS thì quá trình áp dụng tiến hành ra sao? (b) giá trị kết quả thu được từ các hoạt động này đến đâu? (c) sau khi khởi tố vụ án tiến hành các hoạt động điều tra tiếp theo thì kết quả của các hoạt động này có được sử dụng hay không? nếu có thì được sử dụng như thế nào? hay là sau khi khởi tố nếu cần phải tiến hành lại các hoạt động này theo đúng thủ tục tố tụng, nếu như thế sẽ gây tốn kém thời gian, nhân lực, vật lực và đây là chưa tính đến hiệu quả áp dụng so với giai đoạn giải quyết tin báo vì nhiều yếu tố tác động như khoảng cách với thời gian xảy ra vụ việc, trạng thái tâm lý và các yếu tố tiêu cực khác…
Như vậy, trên cơ sở phân tích ý kiến về việc tiến hành hay không tiến hành các hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói trong giải quyết tin báo, tác giả đã đưa ra một số chia sẻ mang tính chất khuyến nghị, góp phần thống nhất trong nhận thức và thực tiễn áp dụng. Đồng thời, qua đây tác giả cũng đề xuất, thời gian tới cơ quan có thẩm quyền cần chủ động nghiên cứu, quy định cụ thể vấn đề này trong một văn bản pháp lý có giá trị bao quát (BLTTHS, Thông tư liên tịch…) tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan tiến hành, đảm bảo nâng cao hiệu quả giải quyết tin báo trong thời gian tới./.
N.T.H
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 02/8/2013 hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, Hà Nội, năm 2013.
(2) Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thông tư liên lịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Hà Nội, năm 2017.
(3) Bộ Công an, Thông tư 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân, Hà Nội, năm 2018.
(4) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Hà Nội, năm 2015.
(5) Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Công văn số 5442/VKSTC-V14 ngày 30/11/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và thi hành án hình sự, Hà Nội, năm 2020.