Điểm tựa lịch sử - Trách nhiệm hôm nay
Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7) hàng năm không đơn thuần là một dịp kỷ niệm, mà còn là điểm đến của lương tri và trách nhiệm. Đó cũng là lúc mỗi chúng ta nhìn về một giai đoạn lịch sử đầy oanh liệt, bi tráng của dân tộc đồng thời bày tỏ sự tri ân và nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của hòa bình.
Tôi lớn lên cùng những câu chuyện về chiến tranh, không chỉ qua sách vở, mà còn bằng cả những vết thương và cơn đau của chính những người thân trong gia đình mình. Cha mẹ tôi đều tham gia kháng chiến chống Mỹ, công tác tại Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn và đều là thương binh. Mẹ tôi là thương binh hạng 1/4. Chứng nhận thương tật ghi rõ: “vết thương xuyên thấu não đỉnh P, liệt 1/2 người, mắt thoái hóa hoàng điểm, di chứng động kinh”. Vết thương ấy dường như là một “thiết bị dự báo thời tiết” bất đắc dĩ, hành hạ mẹ tôi mỗi khi trái gió trở trời.
Suốt những năm tháng tuổi thơ cho đến khi trưởng thành, tôi hầu như không nghe mẹ than thở hay kể về nỗi đau của riêng mình. Mẹ thường nhẹ nhàng nói: “Mẹ và bao đồng đội còn sống sót trở về đã là may mắn lắm rồi con ạ”. Câu nói ấy đã theo tôi mãi, trở thành bài học giản dị nhưng sâu sắc về lý tưởng sống của cả một thế hệ đi trước.
Tuy nhiên, nỗi đau, vết thương từ chiến tranh không phải của riêng gia đình tôi. Nó là một phần ký ức chung của cả dân tộc, là sợi dây vô hình kết nối những người ở lại. Khá lâu trước đây, tôi có chuyến đi thực tế về Quảng Trị, lên tận biên giới giáp nước bạn Lào. Đứng trên mảnh đất từng là chiến trường khốc liệt năm xưa, tôi kể với người anh đồng nghiệp là Thượng tá Phạm Văn Thừa về Khe Sanh, làng Vây, về chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, về những cánh rừng, con dốc mà cha mẹ tôi từng hành quân, chiến đấu.
Bất chợt, cả hai chúng tôi cùng lặng đi. Anh Thừa tâm sự, gia đình anh cũng mang trong mình những ký ức không thể nào quên. Mẹ của anh là bà Nguyễn Thị Chạy đã được Nhà nước tôn vinh danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; cha anh, liệt sĩ Phạm Văn Nguyên, và cả người anh ruột, liệt sĩ Phạm Văn Hiệp, đều đã hy sinh cho nền độc lập của dân tộc. Mãi đến nhiều năm sau ngày hòa bình, gia đình mới tìm thấy phần mộ của cha anh tại một nghĩa trang ở Phú Quốc. Sự đồng cảm giữa hai người con của những người lính đến thật tự nhiên. Chúng tôi hiểu rằng, phía sau sự trưởng thành của mình là bóng hình của những bậc ông bà, cha mẹ - những người đã đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hạnh phúc của gia đình. Mối duyên đồng cảm ấy còn được vun đắp bền chặt hơn nữa.
Như mọi năm, vào dịp 27/7, chúng tôi (tập thể lãnh đạo, giảng viên Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn, Trường Đại học An ninh nhân dân) lại đến thăm anh trong ngôi nhà ấm cúng, cùng nhau hàn huyên tâm sự, ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, những kỷ niệm buồn vui. Chúng tôi hiểu rằng, trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa mỗi gia đình đều có những đóng góp, những mất mát. Trên đất nước, đã có gần 1,2 triệu người con ưu tú đã ngã xuống, hóa thân vào non sông, đất nước. Cũng đã biết bao người để lại một phần xương thịt trong các trận đánh, có người chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc màu da cam và di chứng đến những thế hệ kế cận. Song, những vết thương, sự kiện và hy sinh ấy không bao giờ là những con số thống kê vô hồn mà là di sản sống động nhất về lòng dũng cảm, kiên cường, lòng tự hào dân tộc. Nó nhắc nhở chúng ta mỗi ngày rằng nền hòa bình, an ninh mà chúng ta đang được hưởng, sự bình yên, đủ đầy được đánh đổi bằng máu, nước mắt và cả tuổi thanh xuân của các thương binh, liệt sĩ đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui hạnh phúc của dân làm lẽ sống của mình”.
Lãnh đạo, giảng viên Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn đến thăm, tri ân gia đình Thượng tá Phạm Văn Thừa
Đáng buồn thay, giữa dòng chảy của lòng biết ơn và niềm tự hào dân tộc, vẫn còn đó những tiếng nói lạc lõng, những luận điệu xuyên tạc, cố tình phủ nhận lịch sử, cố tình đánh đồng sự hy sinh cao cả với những mục đích phi nghĩa khác, cho rằng chúng ta chỉ biết khắc ghi thù hận. Thực tiễn sự nghiệp cách mạng Việt Nam đã chứng minh rằng dân tộc ta luôn yêu chuộng hòa bình và đã bước qua chiến tranh với tinh thần khoan dung, nhân nghĩa, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Tuy nhiên, gác lại quá khứ không có nghĩa là lãng quên quá khứ bởi lãng quên tức là tự tước bỏ đi gốc rễ và sức mạnh của chính mình. Một dân tộc không biết trân trọng lịch sử, không biết ơn những người đã ngã xuống vì mình, là một dân tộc không có tương lai. Việc tri ân các anh hùng, liệt sĩ, thương binh chính là để giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước và trách nhiệm công dân.
Lịch sử dân tộc chưa bao giờ là những trang ký ức tĩnh lặng mà thực sự là một mạch nguồn sống động. Mạch nguồn ấy được kết tinh từ sự hy sinh của những người con đất Việt, tạo nên “vốn liếng” vô giá cho những người đang sống. Mỗi chúng ta hôm nay cần ý thức sâu sắc rằng mình không chỉ là người thừa hưởng mà còn có nghĩa vụ bảo toàn và làm sinh sôi nguồn vốn liếng ấy.
Ngày 27/7 là ngày tri ân. Lòng tri ân đích thực không dừng lại ở những lời nói hay nghi thức tưởng niệm, mà cần phải được minh chứng bằng năng lực kiến tạo một thực tại xứng tầm với quá khứ, bằng việc sống, học tập và làm việc với tất cả trách nhiệm và sự tử tế. Đó là việc mỗi người dân hăng say lao động, nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật; mỗi công chức nêu cao tinh thần liêm chính tận tụy; mỗi doanh nhân phấn đấu vươn lên làm giàu chân chính, góp phần xây dựng đất nước hùng cường; mỗi học sinh, sinh viên cần cù, siêng năng học tập, chinh phục những chân trời tri thức… Đó cũng là việc chúng ta cùng nhau đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, với những thứ “giặc nội xâm” đang làm xói mòn thành quả cách mạng.
Đất nước hôm nay đã sang trang, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình. Trong kỷ nguyên này, niềm tự hào về quá khứ cần được chuyển hóa thành bản lĩnh vượt khó, tư duy độc lập và tinh thần dấn thân không mỏi mệt. Mỗi chúng ta cần ý thức trách nhiệm của bản thân trong việc viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc bằng trí tuệ, bằng sự tận tụy, bằng lòng can đảm. Đây chính là cách để làm tròn đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là cam kết với những bậc tiền nhân rằng sự hy sinh của họ không vô nghĩa. Và đó cũng là cách để dân tộc Việt Nam - sau những thế kỷ kiên cường, bất khuất - có thể kiêu hãnh vươn mình đưa đất nước phồn vinh, hạnh phúc và khẳng định vị thế và uy tín trên trường quốc tế.
TS, Thượng tá Nguyễn Quỳnh Anh
Phó Trưởng khoa Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn