Chuyên mục pháp luật
Trường Đại học An ninh nhân dân tham gia góp ý Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động
Cảnh sát cơ động là lực lượng có tính chất đặc thù so với các lực lượng khác trong Công an nhân dân, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang, được trang bị nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ; được huấn luyện thường xuyên, chuyên sâu để cơ động nhanh, giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, biểu tình, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin, trấn áp các loại tội phạm nguy hiểm.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến Dự thảo
Luật Cảnh sát cơ động.
Nguồn: quochoi.vn
Ngày 23/12/2013, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XIII đã thông qua Pháp lệnh số 08/2013/UBTVQH13 về “Cảnh sát Cơ động”. Sau 8 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh, bên cạnh kết quả đạt được, nhiều nội dung của Pháp lệnh đã bộc lộ bất cập so với một số văn bản pháp luật có liên quan và thực tiễn áp dụng. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát cơ động được xác định là một trong những lực lượng cần có sự đầu tư trọng điểm nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng lực lượng Công an nhân dân đến năm 2030 cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Đại hội XIII. Xuất phát từ yêu cầu đó, ngày 29/6/2021, tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất thông qua dự án Luật Cảnh sát Cơ động. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Cảnh sát cơ động đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến với tổng số 299 ý kiến phát biểu và 5 đại biểu cho ý kiến bằng văn bản. Tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật. Theo đó, dự thảo Luật Cảnh sát cơ động lần này gồm 05 chương, 33 Điều với các nội dung chính, như: Vị trí, chức năng; nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động, chế độ, chính sách của Cảnh sát cơ động; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động.
Xây dựng lực lượng Cảnh sát Cơ động cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Nguồn: vov.vn
Thực hiện Công văn số 290/UBQPAN15 ngày 16/02/2022 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về việc “tổ chức lấy ý kiến Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động”, Trường Đại học An ninh nhân dân đã tổ chức nghiên cứu nghiêm túc bản Dự thảo Luật. Qua nghiên cứu, Nhà trường cơ bản nhất trí cao với nội dung dự thảo. Đồng thời, có một số góp ý quan trọng tập trung vào các nội dung, như: Sự cần thiết của việc quy định rõ khái niệm “biện pháp vũ trang và làm rõ nội hàm “sử dụng biện pháp vũ trang của Cảnh sát cơ động” trong Dự thảo Luật, xác định lực lượng Cảnh sát cơ động là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; bổ sung nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, tổng kết thực tiễn, xây dựng, phát triển lý luận nghiệp vụ Công an nhân dân của Cảnh sát cơ động; bổ sung tiêu chuẩn, nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động để bám sát mục tiêu xây dựng lực lượng Công an nhân dân đến năm 2030 cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, xã hội trong - ngoài nước và sự thay đổi về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm đã, đang và sẽ đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với lực lượng Cảnh sát cơ động, do đó có thể khẳng định, việc xây dựng, ban hành Luật Cảnh sát cơ động là hết sức cần thiết, phù hợp với tính chất đặc thù của lực lượng này cũng như yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Khoa An ninh xã hội - T04
Tags trường đại học An ninh nhân dân, cảnh cát cơ động