Chuyển đổi số - Yêu cầu tất yếu trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo tại Trường Đại học An ninh nhân dân

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 7 năm 2021


Đại tá, PGS, TS, NGUT Võ Hồng Công

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học ANND


1. Sự phát triển mau lẹ của công nghệ số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư kích hoạt, lan tỏa và ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả mọi lĩnh vực của đời sống con người, xã hội, với việc ứng dụng khoa học, công nghệ và sử dụng trí tuệ nhân tạo đem lại tiện ích, những điều tốt đẹp cho xã hội loài người. Đây là cơ hội, nhưng cũng đặt ra thách thức, yêu cầu với từng quốc gia, dân tộc, mỗi ngành, tổ chức, cá nhân phải nỗ lực cao nhất tận dụng thời cơ, giải tỏa khó khăn để vượt lên.

Cách đây hơn 500 năm, Tiến sĩ Thân Nhân Trung khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” với ý nghĩa tôn vinh con người, đặt con người là trung tâm, đồng thời đề cao giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ dân trí, xem giáo dục - đào tạo là “quốc sách hàng đầu”. Trước sự phát triển của từng quốc gia, dân tộc, lĩnh vực giáo dục, nhất là giáo dục đại học phải luôn đổi mới đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ, chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo “theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế…, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” [1]. Theo đó, việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo tất yếu gắn liền với quá trình chuyển đổi số (Digital transformation).

Chuyển đổi số là chuyển hoạt động của con người từ thế giới thực hoạt động trên không gian mạng. Trong môi trường đó, sẽ rút ngắn khoảng cách, thu hẹp không gian, tiết kiệm thời gian và tiếp cận nguồn thông tin đa dạng, phong phú, vô tận. Trên thế giới hầu hết quốc gia, dân tộc đã và đang triển khai quyết liệt chiến lược chuyển đổi số. Nội dung chuyển đổi số rất rộng, đa dạng, nhiều tầng kích, có thể khái quát trên một số vấn đề, như: chính phủ số (dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu mở…); kinh tế số (tài chính số, thương mại điện tử); xã hội số (giáo dục, y tế, văn hóa...) và chuyển đổi số trong các ngành trọng điểm (nông nghiệp, du lịch, điện lực, giao thông…).

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chuyển đổi số trước hết ở hai nội dung: chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học. Trong quản lý giáo dục gồm số hóa thông tin quản lý, tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng Công nghệ 4.0 (AI, blockchain, phân tích dữ liệu, ..) để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng, chính xác. Trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá gồm số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm số, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, xây dựng các trường đại học trên không gian mạng. Chuyển đổi số là nhân tố thúc đẩy nhanh mục tiêu xây dựng một nền giáo dục “đào tạo và tự đào tạo”, “lấy người học làm trung tâm”, hỗ trợ tích cực, hiệu quả công tác quản lý; giáo viên phát huy tối đa năng lực, tư duy sáng tạo; người học tiếp cận thông tin đa dạng, phong phú, hình thành kỹ năng nghiên cứu, tự học và tư duy phản biện...

Trước yêu cầu từ thực tiễn, ngày 03/6/2020, Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ – TTg về “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và xác định giáo dục và đào tạo là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số với nhiệm vụ: “Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa và 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học” [2]. Từ cơ sở trên cho thấy, chuyển đổi số ở các cơ sở giáo dục là yêu cầu tất yếu nhằm đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại học; đây là xu hướng của thời đại, đồng thời quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực này trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

2. Trường Đại học An ninh nhân dân Anh hùng là một trong những trung tâm đào tạo cán bộ, sĩ quan của lực lượng Công an với truyền thống 58 năm xây dựng, phát triển, từ ngôi trường đơn sơ với mái lá trung quân đến nay đã trở thành ngôi trường khang trang, hiện đại. Tiếp nối truyền thống quý báu đó, Nhà trường công bố Tầm nhìn - Sứ mạng - Văn hóa - Triết lý giáo dục và đến năm 2030 “Trường Đại học An ninh nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và hội nhập; là trung tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tham mưu chiến lược có uy tín cao của lực lượng Công an nhân dân” với sứ mạng: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu khoa học, tham mưu chiến lược có uy tín cao; lực lượng dự bị, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Công an; là một trong các trung tâm hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo của Bộ Công an”. Theo đó, Nhà trường không ngừng đổi mới giáo dục và đào tạo, tổ chức quán triệt sâu rộng Nghị quyết 29 - NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết 17 - NQ/ĐUCA ngày 28/10/2014 của Đảng ủy Công an Trung ương và Chỉ thị số 13/CT - BCA ngày 28/10/2014 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo trong Công an nhân dân”. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học An ninh nhân dân lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 khẳng định: “Tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng Nhà trường điện tử Trường Đại học An ninh nhân dân”; Đề án “Trang thông tin điện tử Trường Đại học An ninh nhân dân”; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực công tác nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, quản lý, điều hành các hoạt động của Trường và các đơn vị” [3].

Về nhận thức, một nhà trường điện tử, nhà trường thông minh có thể hoạt động được khi đảm bảo điều kiện, như: hệ thống phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục gồm (Website trường học để cung cấp, công khai thông tin ra xã hội; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến tới sinh viên; sử dụng thư điện tử trao đổi thông tin quản lý và dạy - học); sử dụng phần mềm quản lý nhà trường trực tuyến (quản lý hành chính điện tử E- Office, quản lý học sinh, quản lý giáo viên, quản lý các kỳ thi, xếp thời khóa biểu, quản lý tài chính, quản lý cơ sở vật chất, quản lý thư viện...; sử dụng hiệu quả thiết bị, phần mềm dạy học, thí nghiệm ảo, phần mềm mô phỏng; ứng dụng hiệu quả hệ thống ứng dụng dạy – học thông minh, hiện đại; ứng dụng kho bài giảng e-Learning, sách điện tử, sách giáo khoa điện tử; ứng dụng hệ thống đánh giá người học trực tuyến… Tất cả những nội dung trên chỉ được hình thành khi chuyển đổi số thành công. Nói cách khác, chuyển đổi số vừa là điều kiện cần nhưng cũng là điều kiện đủ để xây dựng Nhà trường điện tử, Nhà trường thông minh.


 Trường Đại học An ninh nhân dân xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, ứng dụng công nghệ số phục vụ tốt các hoạt động khoa học của Bộ Công an

Thực tế cho thấy, điều kiện chuyển đổi số tại Trường Đại học An ninh nhân dân có nhiều yếu tố thuận lợi cần phát huy, đó là tập thể Đảng ủy, Ban Giám hiệu đoàn kết, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo; đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng được chuẩn hóa, có trình độ công nghệ thông tin; đã triển khai hiệu quả phần mềm quản lý đào tạo; Văn phòng điện tử (E-Office); kết nối mạng LAN, mạng Wifi; Trang thông tin điện tử; thư viện số...


 Tọa đàm khoa học “Chuyển đổi số tại Trường Đại học An ninh nhân dân”

Bên cạnh kết quả đạt được, việc chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo của Nhà trường vẫn còn hạn chế, bất cập, như: một số cán bộ, giảng viên chưa nhận thức tầm quan trọng vấn đề này, còn tâm lý lo ngại khi tham gia và sử dụng không gian mạng; cơ sở pháp lý, quy trình, biện pháp, cách thức, lộ trình chuyển đổi số chưa cụ thể; ứng dụng quản lý hành chính điện tử, sổ điện tử, học bạ điện tử, kho bài giảng e-Learning, sách điện tử, sách giáo khoa điện tử, hệ thống giảng dạy trực tuyến chưa đáp ứng yêu cầu; mâu thuẫn giữa việc đảm bảo bí mật nhà nước với hoạt động trên không gian mạng; giảng dạy trực tuyến, giảng dạy từ xa vẫn cần bàn thảo để từng bước tìm ra hướng xử lý hiệu quả...
 

Trường Đại học An ninh nhân dân đánh giá việc tổ chức thí điểm giảng dạy trực tuyến

Để phát huy kết quả đạt được và giải tỏa khó khăn, bất cập, thời gian tới Nhà trường cần tập trung giải quyết một số vấn đề:

Một là, Đảng ủy, Ban Giám hiệu tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo việc chuyển đổi số, cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu cần ưu tiên. Theo đó, tiếp tục triển khai Đề án 1646/ĐA-T47 ngày 12/12/2016 về “Tin học hóa và cải cách thủ tục hành chính”, Đề án 2121/ĐA-T47 ngày 14/11/2017 về Nhà trường điện tử và những văn bản khác có liên quan...

Hai là, chủ động tổ chức triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng cơ sở pháp lý cho hình thức giảng dạy trên nền tảng số. Xây dựng quy trình và văn bản hướng dẫn cách làm, bước đi cần thiết trong quá trình chuyển đổi số tại Trường, đồng thời đảm bảo bí mật nhà nước theo quy định.

Ba là, tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho lãnh đạo và cán bộ, giảng viên, học viên, tất cả mọi người về sự cấp thiết của chuyển đổi số, nội dung chuyển đổi số, qua đó đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số nhằm trang bị kiến thức về mạng máy tính, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực công tác.

Bốn là, đẩy nhanh số hóa để làm giàu nguồn dữ liệu, xây dựng hệ thống tài nguyên số, vận hành và khai thác hiệu quả việc tích hợp thông tin khoa học, học liệu, hình thành hệ thống Big Data (dữ liệu lớn) của Nhà trường.

Năm là, kiến nghị Bộ Công an đầu tư kinh phí cho từng hạng mục, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin; tăng cường hợp tác, trao đổi qua đó học tập kinh nghiệm chuyển đổi số của cơ sở giáo dục và đào tạo trong và ngoài nước. Chủ động hợp tác với cơ quan tư vấn, nhà thầu để có thể mua hoặc nhận chuyển giao phần mềm phục vụ công tác của Nhà trường đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia tình hình mới./.

V.H.C

------------------------------------                                                                                                        

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021),Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 136.

2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 749/QĐ – TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Thư viện Pháp luật, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Quyet-dinh-749-QD-TTg-2020-phe-duyet-Chuong-trinh-Chuyen-doi-so-quoc-gia-444136.aspx

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học An ninh nhân dân lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Thành phố Hồ Chí Minh, 10/2020, tr. 60 - 61

arrow_upward