Chuyển đổi số - Trọng tâm hiện đại hóa Trường Đại học An ninh nhân dân giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2030
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 7 năm 2021
Đại tá, PGS, TS, NGUT Võ Hồng Công
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học ANND
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tiếp tục xây dựng […] Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số […] lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng […] công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030, xây dựng […] Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” [1]. Với sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học, tham mưu chiến lược có uy tín cao, lực lượng dự bị, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Công an, Trường Đại học An ninh nhân dân xác định tầm nhìn đến 2030, xây dựng Nhà trường “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và hội nhập”. Điều đó thể hiện quyết tâm của Đảng ủy, Ban Giám hiệu đưa Trường Đại học An ninh nhân dân tiến thẳng lên hiện đại. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, việc xác định mũi đột phá chiến lược, trọng tâm cần tập trung đầu tư, thực hiện là hết sức cần thiết.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vấn đề có tính chất then chốt, tạo sức bật, tiền đề hiện đại hóa từng khâu, mũi, bộ phận, nhằm tiến đến hiện đại hóa toàn diện cả hệ thống chính là “chuyển đổi số” (Digital Transformation). Nếu đạt hiệu quả, chuyển đổi số sẽ tối ưu hóa cách vận hành Trường Đại học An ninh nhân dân, tăng hiệu quả hợp tác giữa các bộ phận, tổ chức, cá nhân cấu thành, gia tăng năng suất lao động, cùng với đó là gia tăng giá trị phục vụ xã hội.
Bước căn bản đầu tiên của chuyển đổi số, đòi hỏi quyết tâm cao độ trong chỉ đạo và điều hành, chính là “số hóa” (Digitization) - chuyển mọi thông tin điều hành, quản lý, tổ chức, hoạt động của Nhà trường sang dạng kỹ thuật số. Bước này đã và đang thực hiện có hiệu quả tại Trường với việc đưa vào sử dụng phần mềm quản lý đào tạo từ tháng 01/2018 và hệ thống Văn phòng điện tử (E-Office) từ tháng 11/2019.
Trang Thông tin điện tử Trường Đại học An ninh nhân dân – một trong những dấu ấn về chuyển đổi số của Nhà trường
Tuy nhiên, việc “số hóa” hiện nay tại Trường vẫn còn bất cập, chưa triệt để, về cơ bản các tệp tin máy tính kỹ thuật số được sử dụng như phương tiện lưu trữ là chính, chưa hoàn toàn thay thế hay có giá trị minh chứng tương đương hồ sơ giấy. Để tiến tới số hóa đúng nghĩa, việc tính toán mua, sử dụng rộng rãi “chữ ký số” (token) tại Trường là hết sức cần thiết. Việc áp dụng “chữ ký số” sẽ đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản số tương đương với hồ sơ giấy, từ đó thay đổi căn bản quá trình điều hành, quản lý, hoạt động Trường Đại học An ninh nhân dân.
Tổ chức số hóa bài giảng, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy
Chuyển đổi số tại Trường Đại học An ninh nhân dân phải được thực hiện đồng bộ từ trên xuống. Lãnh đạo Nhà trường, trước hết là các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu phải tiên phong “số hóa” quy trình, cách thức chỉ đạo, điều hành. Cấp ủy, lãnh đạo từng đơn vị phải nỗ lực vượt qua rào cản về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, phải tự học, tự nghiên cứu cách thức sử dụng, vận hành công cụ, phương tiện hiện đại để quá trình “số hóa” thực hiện thuận lợi. Đồng thời, với quá trình số hóa, mọi quy trình quản lý hành chính, quản lý đào tạo, quản lý khoa học, quản lý học viên, hậu cần, công tác Đảng, công tác chính trị… phải được tập trung tối ưu hóa, tận dụng triệt để thành tựu số hóa. Trong hoạt động quản lý đào tạo, cần đặc biệt coi trọng số hóa hồ sơ bài giảng.
Thí điểm giảng dạy trực tuyến góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chuyển đổi số của Trường Đại học An ninh nhân dân
Trong quản lý hành chính công, từng đơn vị và cá nhân có lộ trình cắt giảm văn bản, hồ sơ giấy. Chú trọng tích hợp, xây dựng và sử dụng hiệu quả Big Data của Nhà trường để tăng cường năng lực khai thác thông tin, tránh việc phải báo cáo, thống kê trùng lặp, nhiều lần…
Thời gian tới, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đến từng đơn vị trong toàn Trường thực hiện đúng, đầy đủ nội dung được phân công và lộ trình đã đặt ra của Đề án 1646/ĐA-T47 ngày 12/12/2016 về “Tin học hóa và cải cách thủ tục hành chính” và Đề án 2121/ĐA-T47 ngày 14/11/2017 về “Nhà trường điện tử”, coi đây là vấn đề then chốt, quyết định đến sự phát triển, hội nhập của Nhà trường trong tương lai. Hệ thống tài nguyên thông tin của Trường đang từng bước hình thành, tuy nhiên dữ liệu các bộ phận cấu thành còn rời rạc, cần đầu tư có lộ trình để Big Data xuất hiện và có thể khai thác. Để thực hiện được vấn đề này, chủ động nghiên cứu, nâng cấp hệ thống mạng LAN của Nhà trường có đường truyền mạnh, đáng tin cậy, bảo mật, kết nối và mạng nội bộ Bộ Công an. Tiếp tục kiến nghị Bộ Công an đầu tư kinh phí cho một số hạng mục, đặc biệt là đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, chú trọng việc đảm bảo nguồn kinh phí xây dựng và triển khai 04 phần mềm còn lại trong 06 bộ phần mềm, gồm: Phần mềm quản lý khoa học và tạp chí; phần mềm quản lý thư viện điện tử và xuất bản số; phần mềm quản lý tổ chức nhân sự; phần mềm quản lý hậu cần, tài chính, nhà ăn.
Chuyển đổi số đã không còn là vấn đề “nên có” hay “cần có” tại Trường Đại học An ninh nhân dân trong thời đại kỹ thuật số mà đó là quy luật tất yếu, buộc phải thực hiện để phát triển. Với tinh thần đổi mới, sáng tạo và phát triển, tin tưởng rằng Trường Đại học An ninh nhân dân sẽ viết tiếp trang sử hào hùng của một tập thể đã trải qua muôn vàn thử thách trong cả thời chiến lẫn thời bình, xứng đáng với truyền thống Anh hùng để vững bước tiến lên./.
V.H.C
_________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII - Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.48-49