Cần phát huy tiếng nói mạnh mẽ, quyết liệt của nữ đại biểu quốc hội khoá XIV

Phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Các quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đây là tư tưởng quan trọng quyết định sự thành công của Quốc hội khóa XIV dưới sự dẫn dắt của nữ chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Sự thành công của Quốc hội khóa XIV còn có sự đóng góp mạnh mẽ tiếng nói của các nữ đại biểu.

Trong 133 nữ đại biểu của Quốc hội khóa XIV, có người đã là ba nhiệm kỳ, bốn nhiệm kỳ, thậm chí năm nhiệm kỳ, nhưng cũng có một số nữ đại biểu còn rất trẻ, lần đầu tiên là đại biểu Quốc hội nhưng dù là nữ đại biểu có nhiều nhiệm kỳ Quốc hội hay là nữ đại biểu lần đầu tiên tham gia, đều phát huy tốt tiếng nói đại diện cho cử tri ở nghị trường cũng như tham gia các hoạt động chức năng của Quốc hội. Tại Nghị trường Quốc hội khóa XIV, cử tri cả nước đã được chứng kiến những dấu ấn đậm nét, những phát biểu mạnh mẽ, có chất lượng của các nữ đại biểu ở các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục – một lĩnh vực được cử tri cả nước vô cùng quan tâm.

Với mục tiêu: Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân, năm học 2020 – 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào chương trình giảng dạy bộ sách giáo khoa Lớp 1 cải cách với năm bộ sách để phụ huynh và giáo viên cùng lựa chọn. Thật đáng tiếc, bộ sách được chọn để giảng dạy nhiều nhất trong năm học này lại là bộ sách có nhiều sai sót nhất trong quá trình biên soạn và thẩm định.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau theo cùng một chương trình thống nhất, trong đó sách giáo khoa có vai trò là tài liệu để các nhà trường, giáo viên nghiên cứu, xây dựng kế hoạch giảng dạy cho phù hợp. Nhưng mới bước vào dạy học được hơn 1 tháng, sách giáo khoa Tiếng Việt của nhóm Cánh diều, đã có những phản ánh, bức xúc từ nhiều phụ huynh, giáo viên về một số nội dung không phù hợp.

 

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho ý kiến tại Hội trường

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội, câu chuyện Sách giáo khoa lớp 1 làm nóng nghị trường. Nhiều luồng ý kiến tranh luận khác nhau. Có những ý kiến gay gắt, có những ý kiến nhìn nhận đây là vấn đề sai sót có thể khắc phục được.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho rằng đây là năm đầu tiên áp dụng một chương trình làm bộ sách theo hình thức xã hội hóa trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đội ngũ giáo viên cấp tiểu học chưa thể đạt yêu cầu cao hơn, chắc chắn sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ nhưng không vì thế mà chúng ta tham khảo nhiều nước và cắt mỗi bên một ít để cho vào chương trình giáo dục đổi mới. Giá trị sách giáo khoa khác hoàn toàn sản phẩm hàng hóa thông thường. Nếu tiếp nhận một bộ sách như một lớp chắp vá để tiếp tục vận hành, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho rằng, “đó là thỏa hiệp nguy hại, xem nhẹ giá trị nhân văn trong sáng của tiếng Việt mà rất cần truyền dạy một cách thấu hiểu tận tâm với đứa trẻ vừa bước qua mầm non”.

Với quan điểm như vậy, đại biểu Hiền chỉ rõ, đây là “lỗi quy trình thẩm định, phát hành sách còn lỏng lẻo, dễ dãi đến khó tin và đùn đẩy trách nhiệm như một trận đá bóng không có trọng tài khi xảy ra sự cố thật đáng khó hiểu và không thể hài lòng cư xử”.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền mong các cơ quan, bộ phận có trách nhiệm cần nhìn thẳng sự thật, có thể cân nhắc cho việc sử dụng những bộ SGK có chất lượng thấp, còn thiếu thì nên lùi thời gian lại để hoàn thiện chặt chẽ hơn về mọi mặt.

 

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo đưa ra quan điểm

Quyết liệt hơn, Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho rằng, cần phải nói rõ trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả thuộc về ai? Đại biểu khẳng định “Quan điểm của tôi là sách giáo khoa sai, bắt buộc phải sửa và không thể để một thế hệ học sinh trẻ của chúng ta học sách giáo khoa sai sót như vậy. Do đó, đối với các bộ sách giáo khoa lớp 1 đang bán ở trên thị trường tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo tạm dừng thực hiện, cần khẩn trương tiến hành rà soát và cho thẩm định lại toàn bộ các sách giáo khoa này”.

Có thể khẳng định rằng, những ý kiến quyết liệt của các nữ đại biểu đã tạo niềm tin cho nhân dân, cử tri cả nước về một nhiệm kỳ Quốc hội không thờ ơ với những vấn đề bức xúc trong xã hội, một thái độ trách nhiệm đến cùng của những người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Thêm sự tin tưởng vào chất lượng của các đại biểu Quốc hội trong đó có các nữ đại biểu Quốc hội. Điều này, một lần nữa cho thấy tư tưởng bình đẳng, bình quyền trong Quốc hội đã phát huy tốt hiệu quả. Đây sẽ là tiền đề vững mạnh để Quốc hội khóa XV tiếp tục phát huy tư tưởng sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta về bình đẳng, bình quyền trong ứng cử và bầu cử Quốc hội.

                                                                                                                                     Nguồn: Hội đồng bầu cử quốc gia

 

arrow_upward