Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Quan điểm xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trrên lĩnh vực tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay

Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay phải dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích Nhân dân; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhằm mục đích cao nhất là bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc phải gắn chặt với việc làm chủ thông tin, chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thức, chính thống; gắn với khả năng “miễn dịch”, sức đề kháng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân trước những tác động của thông tin sai lệch, xuyên tạc; gắn với việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

Nhận diện những thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận.

Thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận là những thông tin lệch chuẩn, không đúng với bản chất vấn đề, không đúng với thực tế vốn có; những thông tin bị bóp méo, cố tình phản ánh sai sự thật với dụng ý xấu; là những thông tin do chủ thể phán tán thêm thắt, thổi phồng, bóp méo, bịa đặt, bớt xén hoặc tách những thông tin đó ra khỏi bối cảnh của nó với mục đích làm cho người tiếp nhận hiểu sai bản chất sự vật, hiện tượng, quá trình xã hội và những vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực tiễn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Hình 1: Thông tin sai lệch, xuyên tạc trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII


Quan điểm xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận

Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới nêu rõ: bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Do đó, để xử lý những thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay cần quán triệt một số quan điểm sau đây:

Một là, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc phải dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lợi ích của quốc gia - dân tộc và lợi ích của nhân dân

Khi xác định một thông tin nào đó là sai lệch, xuyên tạc, chúng ta phải dựa vào và lấy tiêu chí đánh giá là lập trường, quan điểm, lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, cương lĩnh của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lợi ích của quốc gia - dân tộc, xem đó là căn cứ cao nhất để xử lý, nếu những thông tin đó trái ngược với những tiêu chí nêu trên thì đó được coi là thông tin sai lệch, xuyên. Có như vậy, khi giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, xử lý triệt để thông tin sai lệch, xuyên tạc của các thế lực thù địch, chúng ta mới thật sự bảo vệ, giữ vững được nền tảng tư tưởng, lý luận.

Hai là, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước

Đấu tranh phản bác và xử lý các thông tin sai trái, xuyên tạc, bịa đặt cần phải dựa trên cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý bằng pháp luật, Nhân dân làm chủ. Trong đó, trách nhiệm, sứ mệnh, chức năng của từng bộ phận cụ thể như sau:

Thứ nhất, trách nhiệm của Đảng:

- Ban hành và lãnh đạo việc tổ chức thực hiện các chủ trương, quan điểm, nghị quyết, quy định, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc vừa có tầm nhìn chiến lược, lâu dài, vừa có tính thiết thực, hiệu quả.

- Xây dựng, kiện toàn bộ máy tổ chức các cơ quan thực hiện công tác xử lý; phát triển, đào tạo, bồi dưỡng; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ các lực lượng tham gia xử lý.

- Lãnh đạo việc xây dựng các lực lượng tham gia đấu tranh mang tính toàn diện, tinh nhuệ.

- Lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia vào việc phát hiện, nhận diện, phản bác, đấu tranh, xử lý triệt để các thông tin sai lệch, xuyên tạc.

Thứ hai, trách nhiệm của Nhà nước:

- Cụ thể hoá các chủ trương, quan điểm, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng thành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc.

- Tạo hành lang pháp lý và điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc xử lý xuất phát từ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và phải phù hợp với thông lệ quốc tế.

- Nâng cao vai trò định hướng thông tin của các cơ quan báo chí chính thống và vai trò của các nhà báo trong việc phê phán, phản bác thông tin sai lệch, xuyên tạc.

Thứ ba, trách nhiệm của Nhân dân: Đoàn kết, tích cực tham gia vào “thế trận nhân dân” toàn diện để có thể phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ, phê phán, tảy chay và có thể “tự miễn dịch” trước các thông tin sai lệch, xuyên tạc.


Hình 2: Thông tin sai lệch, xuyên tạc liên quan đến vụ việc ở Đồng Tâm

Ba là, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc phải gắn chặt với việc làm chủ thông tin, chủ động cung cấp thông tin chính thống, khách quan, chân thực, chính xác, kịp thời

Mục đích của các thông tin sai lệch, xuyên tạc là nhằm tạo ra khoảng trống về tư tưởng, trên cơ sở đó, họ đưa hệ tư tưởng tư sản và các tư tưởng xa lạ, phản cách mạng, lạc hậu vào ý thức của Nhân dân. Do đó, để ngăn chặn mục đích, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chúng ta phải làm chủ trận địa thông tin, kịp thời sàng lọc, phân tích, nhận diện, phân loại, đánh giá mức độ, tính chất của thông tin sai lệch, đồng thời tích cực, chủ động và thường xuyên cung cấp thông tin chính thống, chính thức, khách quan, chân thực đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế nhằm ổn định tình hình dư luận xã hội. Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc gỡ bỏ, phản bác, ngăn chặn thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin đồn nhảm, xấu, độc… với nhóm chuyên gia viết bài phản bác, đấu tranh và chia sẽ, quảng bá rộng rãi với tần suất và quy mô thích hợp.


Hình 3: Thông tin sai lệch, xuyên tạc về công tác phòng chống bão lụt

Bốn là, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc cần gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ

Các thông tin sai lệch, xuyên tạc tìm đến các đối tượng có biểu hiện suy thoái để tác động và biến họ trở thành những người phản bội lại sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Khi đã “tự chuyển hoá” thành phần tử đối lập, họ tìm đến, tiếp cận những thông tin sai lệch, xuyên tạc để phát tán, làm tăng thêm nguy cơ phá hoại về tư tưởng, lý luận. Do đó, đấu tranh xử lý các thông tin sai lệch, xuyên tạc phải gắn liền với việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” từ trong nội bộ. Xem việc thực hiện hai nội dung này là tiền đề, điều kiện của nhau để “xây” và “chống” có hiệu quả cao.

Năm là, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc gắn liền với giáo dục khả năng “miễn dịch” của cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là giới trẻ trước tác động của thông tin sai lệch, xuyên tạc

Mục đích, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm tuyên truyền các thông tin sai lệch, xuyên tạc ngày càng tinh vi, phức tạp. Do đó, để tạo thế chủ động, hạn chế, triệt tiêu tác động tiêu cực của thông tin sai lệch, xuyên tạc, đẩy lùi, hạn chế và đi đến triệt tiêu mục đích của các thế lực thù địch, Đảng, Nhà nước ta cần chủ động giáo dục hình thành “sự miễn dịch”, sức đề kháng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là các đối tượng trọng yếu mà các thế lực thù địch nhắm vào. Đồng thời, xem đó là cách thức hữu hiệu nhất để tự bảo vệ và làm vô hiệu hoá mọi dòng thông tin xấu, độc, mọi tác động tiêu cực từ các thông tin sai lệch, xuyên tạc. Để có được “sự miễn dịch” đó, cần phải nâng cao nhận thức, niềm tin và khả năng vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn, giáo dục về đường lối, chính sách, pháp luật, giáo dục nâng cao nhận thức về bản chất, tác hại và sự cần thiết phải đấu tranh, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc, giáo dục về các quy tắc và văn hoá ứng xử…

Những quan điểm nêu trên là một thể thống nhất, bao quát và có ý nghĩa chỉ đạo việc xác định và thực hiện mục tiêu, xây dựng và phát triển các chủ thể, các lực lượng, phân tích và lựa chọn nội dung, phương pháp, cách thức, giải pháp xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam./.

Lê Nho Minh - T1

 

arrow_upward