Quán triệt NQ của Đảng, PL của Nhà nước

Chi bộ Khoa An ninh xã hội tổ chức sinh hoạt chuyên đề về nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

    Thực hiện Kế hoạch số 74-KH/ĐU ngày 30/6/2022 của Đảng ủy Trường Đại học An ninh nhân dân về tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng nội dung tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 20/9/2022, tại phòng làm việc của đơn vị, Chi bộ Khoa An ninh xã hội tổ chức sinh hoạt chuyên đề về nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

    Tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thời gian qua đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, dư luận trong nước và quốc tế đều đánh giá cao, khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm. Tại buổi sinh hoạt, đồng chí Bí thư Chi bộ quán triệt ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập, quán triệt nội dung tác phẩm, trong đó khẳng định tác phẩm có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục tổng kết lý luận về đường lối đổi mới của Đảng ta, khơi dậy và phát huy khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, quán triệt nội dung cốt lõi, tập trung một số vấn đề, như:


Tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

    Về chủ nghĩa xã hội, tác phẩm chỉ rõ: “Xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ” với đầy đủ 08 đặc trưng căn bản của chủ nghĩa xã hội (CNXH) mà Việt Nam hướng tới đó là: (1) Một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; (2) Do Nhân dân làm chủ; (3) Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; (4) Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; (5) Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; (6) Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; (7) Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo; (8) Có quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trên thế giới.

    Về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thể chế chính trị, tác giả chỉ rõ đây là sự nghiệp lâu dài, phải tạo sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới. Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát ở Việt Nam là: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ. Dân chủ là bản chất của chế độ XHCN, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng CNXH. Trong đó, Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; Nhà nước đại diện cho quyền làm chủ của Nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối của Đảng; có cơ chế để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội.

    Về kinh tế thị trường định hướng XHCN, là một nội dung đặc biệt quan trọng được đề cập trong tác phẩm. Theo đó, kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN là nền KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hình thái tổ chức kinh tế này vừa tuân theo những quy luật của KTTT, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc cơ bản và bản chất của CNXH, thể hiện trên cả ba mặt: Sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối.

    Về văn hóa - xã hội, tác giả khẳng định: “Văn hóa là những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình”. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, Đó là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại.

    Về quốc phòng, an ninh, tác giả chỉ rõ: “chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố tăng cường quốc phòng, an ninh. Tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân (CAND) cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến 2025, cơ bản xây dựng quân đội, công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến 2030, xây dựng Quân đội nhân dân, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Xây dựng thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đối với CAND, đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo: “Kịp thời phát hiện, chủ động xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, không để xảy ra các “điểm nóng”. Đấu tranh trấn áp có hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, băng nhóm tội phạm ma túy”.

    Về đối ngoại, tác giả phân tích, đưa ra nhận thức, tư duy mới: “Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc”. Theo đó, cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; nâng cao năng lực hội nhập, nhất là cấp vùng và cấp địa phương, doanh nghiệp; tận dụng tối đa các cơ hội từ quá trình hội nhập mang lại, nhất là các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Xây dựng nền ngoại giao hiện đại, chú trọng đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng, an ninh để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Tăng cường ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển; mở rộng và nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    Trong buổi sinh hoạt chuyên đề, Chi bộ cũng đã nghiên cứu các tài liệu, bài viết của các nhà khoa học về nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư, như: “Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Cơ sở quan trọng cho tổng kết đường lối đổi mới của Đảng” của GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; “Lan tỏa niềm tin, khát vọng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; “Những định hướng về đường lối đổi mới trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của PGS.TS Vũ Quang Vinh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.


Chi bộ Khoa An ninh xã hội sinh hoạt chuyên đề về nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

    Tại buổi sinh hoạt, các ý kiến thảo luận đều thống nhất rút ra được ý nghĩa của việc nghiên cứu, quán triệt nội dung tác phẩm trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng và phục vụ nghiên cứu giảng dạy, công tác chuyên môn của Chi bộ, đơn vị. Trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên trong Chi bộ vững tin vào con đường đi lên CNXH mà Đảng ta đã lựa chọn, thấm nhuần bản chất ưu việt của chế độ XHCN ở Việt Nam, như khẳng định của Tổng Bí thư: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm”.

    Trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Việc nghiên cứu, quán triệt nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư là cơ sở phản bác một cách thuyết phục, đanh thép các luận điệu xuyên tạc về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Đề án 08/ĐA-BCA ngày 29/9/2021 về công tác công an tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

    Trong giảng dạy, nghiên cứu lý luận công tác công an phải quán triệt sâu sắc quan điểm, chỉ đạo của Đảng, theo tinh thần bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Đảng trong công tác chiến đấu và xây dựng lực lượng CAND. Tăng cường công tác nghiên cứu lý luận gắn với thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05/CT-BCA-V04, ngày 01/6/2022 của Bộ Công an về đẩy mạnh công tác lý luận Công an nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

    Trong xây dựng đội ngũ của Chi bộ và đơn vị, Chi ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, thành công Đề án xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị. Mỗi cán bộ, đảng viên mẫu mực về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, thường xuyên tự soi, tự sửa, tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả công tác công an, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.

Chi bộ Khoa An ninh xã hội

arrow_upward